sơ tâm

Chúc Hòa - Phan Hồng Chương

Thuyết trình tại 35 Chisholm Street Auburn NSW - N12/12/1999

Bài viết này trình bày Sơ Tâm như một triết lý sống, không nhất thiết là của Phật Giáo, mặc dầu Phật Giáo sử dụng triết lý này nhiều nhất. Sơ Tâm được trình bày như yếu tố ắt có và đủ trong đời sống thiền. Sơ Tâm là Thiền Tâm. Danh từ sơ tâm rất được Thiền Sư Ðạo Nguyên (1200-1253) đắc ý và truyền thừa cho đến ngày nay.

Sơ Tâm là tâm hiếu kỳ

Sơ Tâm nhận thức mỗi ngày là một ngày mới. Hôm nay khác với hôm qua và khác với những ngày trước đó. Hôm nay khác vì hoàn cảnh khác, vì thời gian khác, vì nội tâm khác, và vì thế thái nhân tình chung quanh khác, như được gói ghém trong hai chữ "tinh khôi" ở bài kệ Thức Dậy sau đây:

Thức dậy miệng mỉm cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời.

Sơ Tâm sống trọn vẹn mỗi 24 giờ không phải vì bài kệ trên hay, không phải vì đây là cách sống Thiền, cũng không phải vì Thiền Sư Nhất Hạnh chỉ dạy như vậy, mà chỉ vì Sơ Tâm hiếu kỳ, hiếu kỳ về vạn sự vạn vật. Như Alice trong Wonderland, như một em bé lạc vào World For Kids, Sơ Tâm reo lên "Ô! Sao hay quá! Sao mầu nhiệm quá! Mọi sự mọi vật nương vào nhau mà có, nương vào nhau mà mất, trong một trật tự mầu nhiệm. Ðằng trước tấm phông trật tự ấy, sự vật không ngừng mất thế quân bình mà hoại diệt hay phát sinh." Rồi Sơ Tâm cứ bám sát theo các pháp sinh diệt trong từng giây từng phút mà quan sát một cách thật trung thực. Nhờ vào năng lượng của lòng hiếu kỳ mà Sơ Tâm làm việc quan sát này một cách nhẫn nại, bền bỉ, không gián đoạn. Hiếu kỳ gì mà bền bỉ vậy? Thật ra, nếu chỉ có hiếu kỳ của thuở ban đầu thì không đến nỗi lâu bền như vậy, nhưng vì hiếu kỳ này sinh ra hiếu kỳ khác mà trở thành nguồn năng lượng vô tận. Thật vậy, càng tinh chuyên trong việc quan sát, Sơ Tâm càng thấy sâu thấy rộng. Quá trình này được gọi là phát huệ. Theo thuyết Duy Thức, Sơ Tâm tiến dần đến Diệu Quan Sát Trí.

Sơ Tâm làm mọi việc, dù nhỏ hay lớn đến đâu, như mới làm lần đầu, với trọn vẹn nỗ lực. Sơ Tâm không bám víu vào kinh nghiệm của những lần làm trước mà luôn ngỏ cửa đón nhận những ý kiến mới. Thiền Sơ Tâm (luận bên dưới) đề xướng rằng mọi hành động là cơ hội hiển bày phật tánh của ta, khi ăn là phật ăn, khi ngủ là phật ngủ, khi vui là phật vui, khi buồn là phật buồn, khi bệnh là phật bệnh, v.v...

Bậc cha mẹ có thể huân tập Sơ Tâm cho con mình qua cách đánh thức buổi sáng. Với gương mặt tươi cười và hớn hở, cha mẹ không những cho con niềm vui mà còn gợi ý nơi con rằng hôm nay không phải là một ngày đi học như bao nhiêu ngày khác. Với những câu hỏi khôn khéo, cha mẹ nhắc nhở con rằng hôm nay có mưa, có không khí hơi lạnh, có món điểm tâm giống như hôm qua nhưng khác vị, có môn túc cầu ở trường v.v... Dĩ nhiên cha mẹ phải thức dậy sớm để có thời gian làm những việc này. Nếu mọi người cùng thức dậy trễ thì chỉ vội vàng làm những việc cần phải làm như đánh răng, rửa mặt, ăn điểm tâm, sắp xếp cặp, v.v... và ngày hôm ấy sẽ trở thành "một ngày như mọi ngày".

Ðoàn thể trẻ GÐPT cũng có bài hát đón chào một ngày mới như vầy:

"Sáng rồi, sáng rồi anh em ơi

Chim hót vang rừng cây.

Mau dậy, mau dậy đi anh em ơi

Ðừng lười thân như thế.

Hãy vùng lên, ..."

Sơ Tâm là ý nguyện ban đầu

Trước khi bắt tay làm việc gì, ta thường có những kỳ vọng nơi thành quả. Kỳ vọng này là ý nguyện ban đầu. Sơ Tâm được liên hệ với ý nguyện ban đầu ấy. Ý nguyện ban đầu thường mang tính cách trinh nguyên, không bị nhiễm ô bởi sự suy nghĩ đắn đo. Thí dụ như khi ta phát tâm tặng tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt. Con số tiền đầu tiên ta dự định tặng rất quan trọng. Có thể sau khi nghe ngóng về thảm cảnh đang thật sự diễn ra, ta sẽ tăng số tiền lên. Cũng có thể sau khi đắn đo suy nghĩ về những "bills" sắp đến ta sẽ giảm số tiền xuống. Thiền Môn khuyến khích đệ tử trưởng dưỡng ý nguyện ban đầu hay Sơ Tâm trong mọi việc làm cho đến khi đạt mục đích mới thôi. Rõ rệt nhất là việc trưởng dưỡng tâm xuất gia. Tâm xuất gia có cường độ dũng mãnh nhất vào lúc mới phát khởi, và âm hưởng của nó phải luôn được nuôi dưỡng cho đến khi hành giả vững vàng trong đạo nghiệp.

Trong chiều hướng này, Sơ Tâm cũng mang ý nghĩa quyết tâm, giản đơn, và trực chỉ. Thiền Môn có câu "If the sun were to rise from the west, the bodhisatva has only one way." Cho dù mặt trời có mọc ở hướng tây, bồ tát cũng chỉ đi một hướng, hướng của chánh pháp. Tư tưởng này được chuyên chở trong danh từ "nhất hạnh".

Sơ Tâm là tâm sẵn sàng

Sơ Tâm luôn để ngỏ "cửa" đón nhận mọi sự việc trong thế trung lập, không hướng theo một chiều nào, nhờ vậy mà nó sẵn sàng ứng phó với mọi sự việc. Sơ Tâm tỉnh thức về mọi pháp mà không vướng mắc vào pháp nào. Kinh Pháp Bảo Ðàn gọi tâm trung lập này "vô niệm", Tuyệt Quán Luận (Bồ Ðề Ðạt Ma) gọi "vô tâm".

Ta thấy ứng dụng điển hình của tâm sẵn sàng nơi môn võ thuật Triệt Quyền Ðạo (Jeet Kun Do). Võ sĩ Triệt Quyền Ðạo khi ở cạnh đối phương thì giỏi ngăn chận mỗi chiêu thức của đối phương không cho cơ hội phát khởi (triệt quyền). Ðiểm căn bản ở đây là người võ sĩ không thể đoán trước được đối phương sẽ ra chiêu gì, mà phải luôn giữ Sơ Tâm để vừa khi đối phương sắp nhấc tay hay nhấc chân để phát chiêu là người võ sĩ tìm cách ngăn chận liền tay hoặc chân ấy.

Sơ Tâm là tâm như thật

Khoa học đặt nền tảng trên những định luật (law) thực chứng được bằng thí nghiệm. Những gì chưa chứng minh được thì được xếp vào loại giả thuyết chờ ngày chứng minh. Như vậy mặc dầu khoa học có căn bản hẳn hoi nhưng vẫn cởi mở đón nhận sáng kiến, cho dù hoang đường đến đâu. Ðây là vẻ hồn nhiên đáng quý của khoa học. Hơn nữa khoa học gia chỉ đề cập đến những gì mình biết đích xác chứ không bao giờ nói thiếu hay dư. Thí dụ "Cho đến nay, 25 tháng 11 năm 1999, chúng ta biết được Thái Dương Hệ có 10 hành tinh." Câu nói này bảo toàn tính cách đúng của nó (self consistency) vì lỡ mà trong tương lai có hành tinh thứ 11 được tìm thấy thì nó vẫn đúng. Tâm khoa học hợp với Sơ Tâm.

Sơ Tâm ít dùng những từ mang ý nghĩa tuyệt đối hay tiêu cực như "nhất", "chót", "toàn thể", "luôn luôn", "mãi mãi", "không bao giờ" v.v... Những từ này rất ít khi hợp với sự thật vì chuyện đời mang vẻ tương đối nhiều hơn tuyệt đối. Người ta thường dùng những từ này với một tâm trạng chấp biên (context of extremes). Lại nữa, với tính cách tuyệt đối, những từ ấy thường dồn ép người dùng vào một khuôn khổ lý luận hạn hẹp hay thậm chí vào đường cùng. Ðiểm này phản lại khuynh hướng rỗng rang và tự do của Sơ Tâm. Vì thế Sơ Tâm quen dùng những từ tương đối như "thường", "đa số", "ít", "trung bình", "đôi khi" v.v...

Sơ Tâm là tâm rỗng rang

Trong Sơ Tâm, 3 thứ chủ thể tỉnh thức, đối tượng tỉnh thức, và nỗ lực tỉnh thức không có chỗ đứng. Vì Sơ Tâm hiếu kỳ như em bé nên nó không biết cái gì là chủ thể, cái gì là đối tượng, và cái gì là nỗ lực. Nó chỉ biết quán sát, có thế thôi. Quán sát là bản năng tự nhiên của nó, không do học mà được, nên nói là biết cũng không đúng cho lắm! Ðiểm này tương ứng với "Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai?" Người hành Sơ Tâm thấy mình như gương sáng phản chiếu mọi vật một cách trung thực, không thiên vị, khi chúng đến trước gương. Ðến khi rời khỏi, những vật ấy không để lại dấu vết gì trên gương.

Nhờ bản chất rỗng rang nên Sơ Tâm có thể chứa muôn pháp mà vẫn không đầy tràn. Sơ Tâm được so sánh với người mới học (sơ học). Người mới học gặp gì cũng thấy hay thấy lạ, và học bao nhiêu cũng không chán vì mỗi lần học là một lần mới. Triết lý này được bày tỏ qua câu chuyện sau:

Một học giả uyên bác đến hỏi đạo thiền sư. Thiền sư muốn tìm hiểu tâm sơ học của học giả nên mời ngồi uống chén trà. Khi rót nước trà đã đầy chén mà thiền sư cố tình rót thêm. Thoạt trông thấy học giả ngỡ thiền sư sơ ý nên im lặng. Vài giây sau vẫn không thấy thiền sư ngưng rót, học giả chịu không được nên la lên: "Xin thầy ngưng tay, trà tràn ra ngoài rồi." Thiền sư để ấm trà xuống và nói: "Ngài cũng đầy tràn (tri kiến) như chén trà này, không thể học gì thêm nữa."

Thiền Sơ Tâm

Thiền Sơ Tâm là chỗ lập cước của Thiền Sư Shuryu Suzuki (1905 - 1971). Ông là truyền nhân trực hệ của giòng Tào Ðộng Nhật Bản mà ngài Ðạo Nguyên (Dogen, 1200-1253) khai sáng. Ông đến San Fransisco từ Nhật Bản năm 1958 rồi thành lập Zen Center. Tinh tuý của Thiền Sơ Tâm được kết tập trong tác phẩm "Zen Mind, Beginner's Mind" do Weatherhill xuất bản năm 1970, rồi tái bản lần thứ 17 năm 1983.

Sơ Tâm trong Thiên Chúa Giáo

New Testament - Matthew - Chapter 18, Verse 1:

At that time the disciples came to Jesus, saying, "Who then is greatest in the kingdom of heaven?"

Then Jesus called a little child to Him, set him in the midst of them,Õ

And said, "Assuredly, I say to you, unless you are converted and become as little children, you will by no means enter the kingdom of heaven.

"Therefore whoever humbles himself as this little child is the greatest in the kingdom of heaven.

"Whoever receives one little child like this in My name receives Me."

...

Jesus tuyên bố hàng đệ tử phải giống như trẻ em thì mới vào được Nước Chúa. Giống trên phương diện nào? Tiếp theo, Jesus khen ngợi tính khiêm cung (humble) như ở trẻ em là được quý trọng nhất trong Nước Chúa. "Khiêm cung" là từ Việt sát nghĩa với "humble", nhưng ở đây từ này được liên hệ với trẻ em nên đáng được dịch là "hồn nhiên". Câu "Whoever receives one little child like this in My name receives Me" có thể được phiên dịch là "Ai có tính hồn nhiên như trẻ em thì người ấy thấy được Ta". Tính hồn nhiên là sản phẩm của Sơ Tâm. Có phải Jesus muốn chúng ta huân tập Sơ Tâm chăng?

Câu hỏi gợi ý

Nhìn trang cuối ta thấy gì ?

Trong lúc huân tập Sơ Tâm tôi giữ tâm cho hồn nhiên thậm chí lắm khi thành ngây ngô. Như vậy tôi sẽ bị người chung quanh coi thường sao ?

Ta thường hiểu tính hiếu kỳ mang vẻ tai hại vì thiếu vắng sự suy xét. Thiền Sơ Tâm có chung số phận này chăng ?

Ta nghĩ gì về câu nói: "Trong suốt 49 năm ta không hề nói một lời." ?

Xin so sánh Sơ Tâm với Chánh Niệm trong Thiền của thầy Nhất Hạnh, nếu có thứ gọi là "Thiền của thầy Nhất Hạnh".

Tại sao bài viết này được trình bày như vậy và sử dụng những từ ngữ như vậy ?

Ứng dụng của sơ tâm

  1. Sơ Tâm lắng nghe người khác, nhất là người dưới. Anglican Television có quảng cáo một câu chí lý "Listening is the beginning of understanding".
  2. Sơ Tâm sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp.
  3. Sơ Tâm đón nhận mọi cơ hội.
  4. Sơ Tâm nhận thức cái tuyệt đối trong cái tương đối = thường,

  5. Sơ Tâm yêu đời = lạc,
    Sơ Tâm tự tại trước các pháp nhị nguyên (như 8 Ngọn Gió) = ngã,
    Sơ Tâm sống thật với chính mình và với người = tịnh.