BÀI SÁM HỐI

Ðệ tử kính lạy,
Ðức Phật Thích Ca,
Phật A-Di-Ðà,
thập phương chư Phật,
vô thượng Phật Pháp,
cùng Thánh, Hiền Tăng.

Ðệ tử lâu đời lâu kiếp,
nghiệp chướng nặng nề,
tham giận kiêu căng,
si mê lầm lạc,
ngày nay nhờ Phật,
biết sự lỗi lầm,
thành tâm sám hối.
Thề tránh điều dữ,
nguyện làm việc lành,
ngữa trông ơn Phật,
từ bi gia hộ,
thân không tật bệnh,
tâm không phiền não,
hằng ngày an vui tu tập,
phép Phật nhiệm mầu,
để mau ra khỏi luân hồi,
minh tâm kiến tánh,
trí huệ sáng suốt,
thần thông tự tại.

Ðặng cứu độ các tôn trưởng,
cha mẹ anh em,
thân bằng quyến thuộc,
cùng tất cả chúng sanh,
đồng thành Phật đạo.



GIẢI THÍCH
  1. Ðại ý: Bài nầy có ý chính:
  1. Xin thú nhận nhừng lồi của mình đã làm.
  2. Xin nguyện làm các việc lành theo lơi Phật dạy.
  3. Xin nguyện hồ hướng công đức cho cha mẹ anh em chị em, cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.
  1. Dàn bài: Bài này có thể chia làm ba phần:
  1. Từ câu "Ðệ tử kính lạy...." đến câu "....cùng Thánh, Hiền Tăng". Ðoạn nầy đệ tử xin kính lạy Phật, Pháp, Tăng.
  2. Từ câu "Ðệ tử lâu đời..." đến câu "...thần thông tự tại". Trong đoạn nầy, đệ tử xin sám hối những lỗi lầm đã làm, xin nguyện làm các việc lành, xin nhờ ơn chư Phật gia hộ để vâng theo lời Phật dạy.
  3. Từ câu "...Ðặng cứu độ các bậc tôn trưởng" cho đến hết. Trong đoạn nầy, đệ tử xin hồi hướng công đức cho cha mẹ anh em cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.
  1. Giảng nghĩa
  1. Sám hối: Sám là xin thú nhận những lỗi đã làm. Hối là xin nguyện từ nay về sau không phạm những lỗi ấy nữa. Bài nầy gọi là Sám hối vì chúng ta đối trước Phật, Pháp, Tăng, tỏ bày những lỗi lầm của mình đã phạm từ trước đến nay, rồi xin nguyện từ nay về sau không phạm một lần nữa.
  2. Ðệ tử: Ðệ là em là học trò. Tử là con, là tiếng các Phật tử xưng đối với đức Phật. Ðức Phật là thầy, mình là học trò là con, vì nhờ Ðức Phật làm tăng trưởng trí huệ và phước đức, và vì đức Phật thương tất cả chúng sanh như con.
  3. Kính lạy: Kính là tôn kính, tôn là trọng, lạy là năm vóc gieo xuống đất. Kính lạy là cử chỉ tỏ lòng cung kính tôn trọng đối với Phật, Pháp, Tăng.
  4. Ðức Phật Thích Ca: Ðức Phật là một vị giác ngộ cho mọi loài, cho mình, hai giác hạnh đều hoàn toàn viên mãn. Thích ca là đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ ở cõi Ta-bà, Dịch nghĩa là Năng nhơn tịnh mặc: Năng nhơn là có lòng nhơn từ. Tịnh là trong sạch không có các tánh xấu, Mặc là an tịnh không có các phiền não nhiễu loạn.
  5. Phật A-Di-Ðà là đức Phật làm Giáo chủ ở cõi Tịnh Ðộ. A-Di-Ðà có nghĩa là Vô lượng thọ nghĩa là sống lâu không lường và Vô lượng quang nghĩa là sáng suốt không lường.
  6. Thập phương chư Phật: Là các đức Phật trong mườ phương : phương đông, phương tây, phương nam, phương bắc, phương đông nam, phương tây nam, phương đông bắc, phương tây bắc, phương trên, và phương dưới. Ðây chỉ phương nào cũng có rất nhiều đức Phật, số nhiều như số cát sông Hằng không thể kể.
  7. Thánh Hiền Tăng: Tăng là chỉ các vị Tăng già xuất gia theo đạo Phật. Thánh Hiền Tăng đây chỉ cho các vị Bồ tát, các vị A-La-Hán từ trước đến nay đã tu hành chứng quả.
  8. Lâu đời lâu kiếp: Ðời là khoảng thời gian từ khi sanh đến khi chết. Kiếp là gồm có nhiều đời. Ý nói đệ tử trải qua rất nhiều kiếp về trước.
  9. Nghiệp chướng nặng nề: Nghiệp là sự hành động, có ba nghiệp là thân nghiệp nghĩa là những hành động về thân, khẩu nghiệp là những lời nói, ý nghiệp là những ý nghĩ tư tưởng. Chướng là chướng ngại trên đường chánh đạo, con đường giải thoát. Những nghiệp làm từ trước đến nay rất nặng nề, làm chướng ngại sự tu học, sự giải thoát của mình.
  10. Tham giận kiêu căng. Ðây là ba tánh xấu thường của người. Tham là tham lam, ham muốn như tham tiền, tham ăn v.v... Giận là nóng nảy giận dử. Kiêu căng là khoe khoang ỷ mình tài giỏi khinh người.
  11. Si mê lầm lạc: Ðây là một tánh xấu nữa; u mê ngu dốt không biết phải trái, nên làm việc sai lạc. Bốn tánh xấu này là tánh xấu cội gốc của con người, bao nhiêu tánh xấu khác đều do bốn tánh này mà ra.
  12. Ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi lầm: Ngày hôm nay nhờ Phật chỉ dạy bảo nên tự biết những điều sai lầm, những tánh xấu.
  13. Thành tâm sám hối: Xin thành tâm sám hối tất cả những tội lỗi.
  14. Thề tránh điều dữ, nguyện làm việc lành: Nghĩa là đứng trước Phật, Pháp, Tăng, xin tự hứa chắc chắn bắt đầu từ nay bỏ tất cả điều dữ với người, làm tất cả việc lành lợi người.
  15. Ngữa trông ơn Phật từ bi gia hộ: Nghĩa là trông mong lòng từ bi của đức Phật thương tưởng ủng hộ giúp đỡ.
  16. Thân không tật bệnh, tâm không phiền nào : (Phiền não là nung nấu não loạn) nghĩa là trông mong ơn Phật gia hộ cho thân thể khỏi các bệnh tật, tâm được an tịnh, khỏi những sự phiền não làm rối loạn.
  17. Hàng ngày an vui tu tập: Tu là sửa tánh xấu; tập là làm theo những hạnh lành; nghĩa là thường thường được an tịnh vui vẻ, sửa đổi những tánh xấu tập làm hạnh lành.
  18. Phép Phật nhiệm mầu: Tức là những phương pháp Phật dạy mà áp dụng theo ta sẽ có nhiều kết quả rất nhiệm mầu, khó lường hiểu được.
  19. Minh tâm kiến tánh: Là sáng rõ chơn tâm, thấy rõ thể tánh, tức là được giải thoát giác ngộ như đức Phật sáng suốt, thấy rõ tâm tánh chơn thật của mình và của người.
  20. Trí huệ sáng suốt: Là không còn u mê tối tăm, trí não được sáng suốt, hiểu rõ mọi sự mọi vật.
  21. Thần thông tự tại: Thần thông là những phép bí mật huyền dịu người thường làm không nổi, chỉ riêng các vị giác ngộ mới hiểu, mới làm được. Tự tại là tự do tự ý, không bị hoàn cảnh xung quanh trở ngại, tùy theo ý muốn làm gì cũng được.
  22. Ðặng cứu độ các bậc tôn trưởng, cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng tất cả chúng sanh, đồng thành Phật đạo: cứu độ là cứu giúp đưa từ đau khổ đến an vui, từ mê lầm đến giác ngộ; tôn trưởng là các vị trưởng lão nhiều tuổi, nhiều đức đứng đầu trong một họ, một phái. Chúng sanh chỉ cho tất cả các loài có sinh mạng, có sống chết như loài người, loài súc sanh, loài chư thiên.. Ðây là lời nguyện của một Phật tử. Tu hành không phải mưu lợi riêng cho mình mà còn nguyện cứu độ tất cả mọi loài cũng được giác ngộ như mình.
(Phật Pháp Ngành Thiếu; Thích Minh Châu, Thích Ðức Tâm, Thích Thiện Ân, Thích Chân Trí)

Chương Trình Tu Học | Thư Viện Lam | Trang Chính