Tứ Nhiếp Pháp
Tài Liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I A Dục
Miền Thiện Minh - Hoa Kỳ

A. Mở Ðầu:

Như hoa sen nở giữa đầm mà hương thơm thì tỏa khắp mọi nơi, giáo lý Ðạo Phật dạy con người biết sống đúng tinh thần "Từ Bi Hỷ Xả và Vị Tha" để làm đẹp cho mình và cho đời. Bởi vậy tu hạnh lợi tha để nhiếp hóa chúng sinh là bổn phận của người Phật Tử, mà phương pháp hữu hiệu và thiết thực để làm lợi ích cho người và làm cho người cảm hóa sâu xa chính là pháp môn "Tứ Nhiếp Pháp."

B. Ðịnh Danh và Hành Tướng:

Tu Nhiếp Pháp là bốn phương pháp nhiếp phục và cảm hóa chúng sanh, còn gọi là bốn phương pháp độ sanh. Ðó là Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi Hành, và Ðồng Sự.

I Bố Thí Nhiếp: Phương pháp nhiếp hóa bằng sự ban cho cùng khắp. Tùy theo đối tượng của sự cho (người nhận) mà chữ Bố Thí có nghĩa là cho, tặng, biếu, dâng, cúng dường, v.v... Ðược gọi là Bố Thí cần phải có đủ ba yếu tố sau đây: người Bố Thí, vật Bố Thí, và chúng sanh nhận Bố Thí.

1. Người Bố Thí:

a. Bố Thí không trong sạch: là sự Bố Thí vì tư lợi, bất kính, kiêu ngạo, cầu danh, muốn dụ dỗ, mê hoặc lòng người, v.v... Tóm lại, Bố Thí vì tâm niệm xấu xa, không nghĩ đến sự an vui, lợi ích cho người nhận.

b. Bố Thí trong sạch: Bố Thí với lòng Từ Bi, tâm nguyện lợi sanh, mong cầu sự an lạc, lợi ích cho người nhận.

2. Vật Bố Thí: Tài thí, Pháp thí, và Vô Úy thí.

a. Tài Thí: còn gọi là Tư Sanh Thí, có hai loại:

* Nội Tài Thí: Bố Thí những gì trong thân thể như thân mạng, sức lực, lời nói, tư tưởng, ý kiến, v.v...

* Ngoại Tài Thí: Bố Thí những đồ vật bên ngoài như tiền bạc, cơm áo, thuốc thang, nhà cửa, v.v...

b. Pháp Thí: đem giáo pháp chân chánh Bố Thí, có hai loại:

* Cúng Dường Chánh Pháp: Lễ kính, tụng kinh và hồi hướng công đức cho chúng sanh.

* Diễn Thuyết Chánh Pháp: tùy theo hoàn cảnh, trình độ, căn cơ, mà giảng pháp cho chúng sanh.

c. Vô Úy Thí: Bố thí sự không sợ hãi, tức là làm cho người khác được an tâm, yên chí, không sợ sệt.

3. Với Chúng Sanh Nhận Thí: Còn gọi là ruộng phước, vì chính nhờ họ mà ta gieo được hạt giống phước đức. Có họ ta mới thực hiện được sự bố thí. Ruộng phước có hai loại:

a. Ruộng phước nhỏ: vì lòng thương hại người nhận nên ta pháp tâm bố thí.

b. Ruộng phước lớn: vì có tâm kính trọng người, nên ta pháp tâm bố thí.

II. Ái Ngữ Nhiếp: Phương pháp nhiếp hóa bằng lời nói thành tật, từ hòa, ngay thẳng và hòa giải. Ái Ngữ có 4 loại:

1. Không nói lời dối trá, mà nói lời chân thành đúng sự thật.

2. Không nói lời độc ác, mà nói lời hòa nhã hiền dịu.

3. Không nói lời thêu dệt, mà nói lời chơn trực ngay thẳng hợp chánh lý.

4. Không nói lời đâm thọc, mà nói lời hòa giải sáng suốt.

III. Ðồng Sự Nhiếp: Phương pháp nhiếp hóa bằng tất cả hành động, ý nghĩ vệc làm có lợi ích cho người. Lợi hành có hai loại:

1. Lợi hành trong công việc vật chất: Chia xẻ những gì mình có thể chia xẻ được qua tài vật của mình.

2. Lợi hành trong công việc tinh thần: Chia xẻ kiên1 thức Ðạo học, kinh nghiệm tu tập mà mình đã thành tựu được.

C. Lợi Ích Của Việc Thực Hành Tứ Nhiếp Pháp:

Nếu thực hành đúng theo Tứ Nhiếp Pháp, ta sẽ có một kết quả tốt đẹp sau:

1. Về phương diện cá nhân: Ta sẽ là một con người gương mẫu, mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm của ta đều được mọi người thông cảm, tán thành, mến phục. Ta sẽ dễ dàng thành công trong mọi việc.

2. Về phương diện gia đình: Do ảnh hưởng tốt đẹp và uy tín của ta, mọi người trong gia đình đều trở thành thuần lương, đức độ, và hành phúc.

3. Về phương diện xã hội: Một người tu hạnh Tứ Nhiếp Pháp cũng đã gây được ảnh hưởng tốt lành và hoàn cải được một phần nào hoàn cảnh xã hội. Nếu số người thực hành Tứ Nhiếu Pháp càng nhiều thì xã hội lại càng được cải tiến và trở thành thuần lương, thiện mỹ.

D. Kết Luận:

Tứ Nhiếp Pháp là một pháp môn dựa trên tinh thần lợi tha và lòng từ bi để nhiếp hóa con người, cải tiến xã hội thuần lương. Trong đó, Tứ Nhiếp Pháp lấy lợi sanh làm căn bản, lấy hạnh phúc của con người làm mục đích. Do đó, người Phật Tử, nhất là huynh truởng GÐPT không những học, hiểu mà điều quan trọng là phải hành Tứ Nhiếp Pháp để làm lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình, xã hội, và tổ chức.



Tài liệu tham khảo:
  1. Tứ Nhiếp Pháp, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông

GÐPTVN Hải Ngoại | Thư Viện Lam | A Dục